Advertisement

Apple tuyên chiến với cả ngành game

Dda
8/15/2020 12:32:00 CH
Last Updated

Ngày 13/8, một trong những tựa game nổi tiếng nhất tại thị trường Mỹ và châu Âu là Fortnite đã bị Apple xóa khỏi kho ứng dụng App Store. Về nguyên nhân, Apple thông báo do nhà phát triển ứng dụng "cố tình vi phạm thỏa thuận của 2 bên".

CEO Tim Cook từng khẳng định "Apple không kinh doanh độc quyền hoặc chi phối bất kỳ thị trường nào" tại buổi điều trần về chống độc quyền của Hạ viện Mỹ diễn ra vào tháng 7.

Tuy nhiên, khi ứng dụng Fortnite có một thay đổi nhỏ trong phương thức thanh toán, Apple ngay lập tức thể hiện sự độc tài khi thẳng tay gỡ bỏ tựa game di động có doanh thu lớn nhất App Store trong năm 2019, mà không có một lời thông báo trước.

Theo Business Insider, Epic Games, công ty chủ quản của Fortnite, đã chuẩn bị một kịch bản hoàn hảo khiến Apple sập bẫy khi thể hiện quyền lực của việc kinh doanh độc quyền. Xóa bỏ Fortnite chỉ là điểm bắt đầu cho một cuộc khủng hoảng mà Apple vừa tuyên chiến với cả ngành công nghiệp game.

Bước đi của Apple nằm trong dự tính của Epic Games


Từ trước đến nay, Apple liên tục bị chỉ trích vì mức thu phí App Store "cắt cổ" lên tới 30%. Mức thu phí này áp dụng với tất cả nguồn thu của ứng dụng như mua/bán vật phẩm game, đăng ký sử dụng hàng tháng, hiển thị quảng cáo...

Ngoài ra, Apple còn bắt buộc các nhà phát triển ứng dụng phải cài đặt phương thức thanh toán bằng công cụ riêng của Apple, để ông lớn này có thể kiểm soát nguồn thu nhập và không cho người dùng có thể giao dịch ở những nơi khác với giá rẻ hơn.

Ngày 13/8, Epic Games cập nhật tính năng cho phép người dùng mua "V-bucks", một loại vật phẩm trong game Fortnite, từ Epic mà không cần thông qua App Store. Phiên bản cập nhật này vi phạm quy định về việc cho phép người dùng giao dịch bên ngoài cổng thanh toán của Apple.

Vài tiếng sau, Apple gỡ bỏ ứng dụng Fortnite ra khỏi App Store, khiến hàng triệu người chơi lên tiếng phản đối vì mọi việc diễn ra quá đột ngột, chỉ trong vài giờ đồng hồ.

Apple tuyên chiến với cả ngành game
Ngày 13/8, Apple gỡ bỏ ứng dụng game có doanh thu lớn nhất trên App Store trong năm 2019 vì "vi phạm thỏa thuận của 2 bên". Ảnh: The Verge.

Epic dường như đã lường trước việc Apple sẽ xóa Fortnite, khi công ty phát triển game này gửi đơn kiện Apple ngay sau đó. Nội dung kiện cáo buộc Apple liên tục cạnh tranh bất hợp pháp trên thị trường phân phối ứng dụng và mua hàng trong ứng dụng trên iPhone và iPad.

"Thay vì chấp nhận sự cạnh tranh lành mạnh này, Apple đã đáp trả bằng cách loại bỏ Fortnite ra khỏi AppStore. Đây là một ví dụ khác về việc Apple sử dụng sức mạnh của mình để áp đặt và duy trì độc quyền 100% bất hợp pháp trong việc thanh toán trên các thiết bị iOS", đại diện Epic Games viết trong thư kiện.

Vụ kiện có thể thay đổi cả ngành công nghiệp game


Trong đơn kiện, Epic Games không yêu cầu Apple bồi thường thiệt hại, họ yêu cầu công ty của Tim Cook phải thay đổi vì đã vi phạm pháp luật.

Cụ thể, Epic Games yêu cầu Tòa án tối cao bang California tuyên bố "các quy định của Apple là vi phạm luật pháp Mỹ", buộc công ty này phải thay đổi hoàn toàn các chính sách độc quyền của họ. Một vụ kiện mà nếu thành công, Epic Games sẽ tác động đến toàn bộ ngành công nghiệp game trên thế giới.

Apple tuyên chiến với cả ngành game
Nếu vụ kiện Apple thành công, Epic Games sẽ tác động đến cả ngành công nghiệp game trên thế giới. Ảnh: Conclusion.

"Bằng cách áp đặt thu phí 30%, Apple buộc các nhà phát triển độc lập phải chịu phần lợi nhuận thấp hơn, giảm số lượng hoặc chất lượng của ứng dụng. Đặc biệt là người dùng, họ đã phải chi trả nhiều tiền hơn từ trước đến nay", Epic cho biết.

Lập luận của Epic Games là rất thông minh khi đối chiếu chi phí thanh toán của các nhà cung cấp khác, một số chỉ lấy 2,6%, thấp hơn 13 lần so với Apple.

Trước đó, tại buổi điều trần của Hạ viện Mỹ, cố CEO Apple Steve Jobs từng đánh giá mức thu phí 30% "sẽ cản trở nhiều cho sự phát triển của ngành".

Vụ kiện của Epic Games thực sự là một nỗi lo cho Apple khi phần lớn lợi nhuận của công ty trong những năm gần đây đều đến từ mảng cung cấp dịch vụ, chứ không phải bán sản phẩm di động hữu hình như iPhone, iPad, Macbook.

TrendingMore

Xem thêm